Cách nấu lẩu hải sản ngon, đẹp, xịn xò như nhà hàng
Cách nấu lẩu hải sản đặc biệt là nước dùng lẩu siêu ngon mà không cần sử dụng gói nước cốt lẩu đóng gói bán sẵn sẽ được Cookbeo chia sẻ chi tiết trong bài viết này. Ngoài ra, ăn lẩu hải sản cần chuẩn bị những thứ gì cũng được liệt kê đầy đủ để độc giả có thể tham khảo.
Nguyên liệu
Nguyên liệu chính
- 500g tôm
- 500g mực
- 300g râu mực mai (bạn có thể dùng râu bạch tuộc cũng có độ giòn tương tự)
- 300g chả mực viên
- 2kg ngao
- 500g ghẹ
Nguyên liệu nấu nước lẩu
- 5-6 quả cà chua
- 4-5 nhánh sả
- 1 củ gừng to
- 5 củ hành khô
- 2-3 tép tỏi
- 1-2 quả ớt cay (hoặc ớt sừng)
- 2 củ hành tây nhỏ
- 2 củ cải trắng
- 1 củ cà rốt
- 1-2 bắp ngô ngọt
- 500g xương heo (nếu có)
- Lá chanh
- Hành lá
- Gia vị: Sa tế, ớt bột loại không cay, muối, tiêu, đường, nước mắm, bột ngọt
Rau nhúng ăn kèm lẩu hải sản
- Nấm: Nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm đông cô, nấm rơm...
- Rau: rau cải, cải thảo....
Nguyên liệu ăn kèm
- Đậu phụ
- Tàu hũ chiên (váng đậu)
- Bún hoặc mì tôm
Nguyên liệu làm nước chấm ăn kèm lẩu hải sản
- Muối tiêu chanh ớt tiêu xay
- Nước tương/xì dầu tỏi ớt
Lưu ý về nguyên liệu
Về nguyên liệu làm lẩu hải sản, các bạn có thể chuẩn bị tùy theo sở thích và điều kiện, bao gồm tôm, mực, cua, ghẹ, bề bề... cùng các loại viên chả thả lẩu như chả mực, chả tôm, chả cua, thanh cua...
Cách làm
Sơ chế hải sản
Tôm cắt bỏ râu, cắt bỏ phần tiêu hóa nơi đầu tôm và rút chỉ đen dọc sống lưng tôm. Sau đó xóc muối hạt rồi rửa sạch, để ráo.
Mực rút riêng đầu mực, ngắt bỏ túi mực đen và màng nhầy nơi cuối đầu mực đi. Sau đó rút xương sống dọc lưng mực và lột màng tím nhạt bên ngoài thân mực, đồng thời khía bỏ mắt mực để mực không bị ra màu khi nấu. Bóp mực với muối, rượu trắng và gừng tươi giã nhỏ để làm sạch và khử mùi tanh. Rửa sạch lại mực, để ráo rồi cắt mực thành miếng vừa ăn. Lưu ý không nên cắt mực quá bé, khi nhúng lẩu mực sẽ co lại gây cảm giác bị vụn.
Cách sơ chế mực sạch trước khi chế biến món ăn
Đối với râu mực mai (hoặc râu bạch tuộc), khi sơ chế bạn cần cắt làm đôi, khía bỏ mắt mực, hốc mắt. Tương tự cũng bóp râu mực với muối, rượu, gừng, sau đó rửa lại và thái miếng.
Mực và râu mực sau khi sơ chế sạch sẽ, bạn cho vào đĩa hoặc bát, ướp cùng với ít gừng giã nhuyễn và tiêu xay.
Chả mực ướp cùng với 1 ít nước mắm và tiêu xay, trộn đều rồi viên thành những viên mọc nhỏ.
Ghẹ cọ rửa sạch sẽ các kẽ chân, càng và dưới lớp yếm.
Ngao rửa qua, sau đó ngâm với nước. Để ngao nhanh nhả bùn đất, bạn ngâm với nước vo gạo, hoặc nước bình thường có cắt thêm vài lát ớt cay. Hoặc bạn cũng có thể ngâm ngao với nước có pha muối hạt, nước mặn sẽ khiến cho ngao há miệng và nhả bùn đất.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Xương heo bóp muối hạt, rửa sạch, đem nướng qua rồi chần cùng nhúm muối hạt trong khoảng 5 phút. Sau đó vớt xương ra, rửa lại thật sạch sẽ.
Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
Sả bóc lớp bẹ già bên ngoài, rửa sạch. Sả sẽ chia thành 2 phần, 1 phần dùng để ninh nước dùng và 1 phần băm nhỏ để xào cùng cà chua.
Hành khô cũng chia làm 2 phần, 1 phần giữ nguyên vỏ, phần còn lại bóc vỏ băm nhỏ.
Gừng rửa sạch. Hành tây cắt gốc rễ, giữ nguyên vỏ và rửa sạch. Sau đó đem hành tây, hành khô giữ nguyên vỏ, 1 phần sả và gừng nướng xém lên. Phần nguyên liệu này sẽ cho vào ninh nước dùng cho thơm.
Cà rốt, củ cải gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành khúc. Ngô ngọt lột vỏ, rửa sạch, cắt thành khúc.
Lá chanh rửa sạch, để ráo.
Những loại rau, nấm nhúng lẩu bạn nhặt và ngâm rửa nước muối sạch sẽ rồi để thật ráo nước. Đặc biệt với nấm, nếu như có nước vo gạo, bạn có thể tận dụng để ngâm nấm. Nước vo gạo sẽ làm sạch và khử mùi gây ngái đặc trưng của nấm rất hiệu quả.
Hành lá cắt gốc rễ và bỏ phần đầu ngọn úa héo, rửa sạch, cắt thành khúc dài khoảng 1 ngón tay để nhúng cùng các loại rau.
Đậu phụ rửa qua, thái miếng vừa ăn.
Nếu dùng bún, bạn nên chần qua nước sôi để khử vị chua của bún.
Nấu nước dùng lẩu
Ngoài độ tươi của hải sản thì yếu tố quyết định độ ngon của món lẩu hải sản này chính là ở nước dùng lẩu. Nếu như bạn không thích vị hơi hắc và có phần hơi cay của gói gia vị lẩu đóng gói bán sẵn thì đừng e ngại, Cookbeo sẽ chia sẻ cho bạn cách nấu nước dùng lẩu siêu ngon không hề thua kém như ngoài hàng.
Đầu tiên, bạn cần đảm bảo nước lẩu có độ ngọt. Ngoài xương heo, thì những củ quả như củ cải, cà rốt, hành tây, ngô... chính là điều giúp cho nước lẩu hải sản có độ ngọt. Đặc biệt, lấy củ quả ninh sẽ làm cho nước dùng có độ ngọt thanh, thơm - đây là điều mà nếu chỉ dùng mỗi xương heo không thể có được.
Khi nấu nước lẩu hải sản, bạn chỉ cần chuẩn bị 1 ít xương heo, không cần quá nhiều.
Theo đó, bạn cho xương heo đã chần rửa sạch sẽ vào nồi, cùng với đó là củ cải, cà rốt, ngô ngọt, hành tây. Ngoài ra, để nước dùng thơm hơn và khử được vị tanh đặc trưng của hải sản, bạn cho vào đó phần gừng, sả, hành khô đã nướng xém. Lưu ý, nên cạo sạch phần xém đen ở gừng hành sả trước khi thả vào nồi để tránh nước lẩu bị đục màu.
Đổ nước vào nồi để ninh nước dùng. Lượng nước đủ cho 4 người dùng sau thời gian ninh khoảng 1-2 tiếng tầm 4-5 lít. Khi ninh nước dùng, bạn nhớ không đậy nắp nồi và hớt bọt thường xuyên để nước lẩu được trong.
Nấu lẩu hải sản
Bạn chuẩn bị 1 chiếc chảo, sau đó cho khoảng 2-3 thìa ăn cơm dầu ăn vào chảo, làm nóng dầu thì cho sả băm, hành băm vào phi thơm. Tiếp đến cho ớt bột không cay và 1 chút sa tế để tạo màu và tăng vị cay nhẹ. Thực tế, khi làm lẩu hải sản, bạn nên cho 1 xíu cay để át đi vị tanh của hải sản.
Cuối cùng cho cà chua và lá chanh vào xào sơ qua ở lửa lớn. Đảo đều, đến khi cà chua thấm đều dầu, đều màu thì tắt bếp. Không nên xào cà chua quá kỹ, cà chua sẽ dễ bị nát.
Khi nước dùng đã ninh đủ thời gian và có độ ngọt nhất định, bạn vớt các loại củ quả và xương ra. Cho phần cà chua đã xào vào nồi lẩu chuyên dụng, sau đó trút phần nước dùng đã ninh vào, bật bếp lên.
Nước sôi các bạn nêm gia vị gồm có muối hạt, đường, bột ngọt và nước mắm để dậy mùi thơm. Vị nước dùng lẩu các bạn nếm hơi nhạt so với canh bình thường là được. Vì khi nhúng lẩu, đặc biệt là ngao thì nước lẩu sẽ càng lúc càng đậm. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nước dùng lẩu hải sản có đủ vị chua cay, ngọt thanh và có độ đậm nhất định.
Xếp các loại hải sản, rau nấm ra bàn. Khi ăn, vừa nhúng vừa thưởng thức các đồ ăn chín tới, nóng hổi và ngọt thơm. Để tăng thêm độ hấp dẫn và đậm đà, bạn có thể chấm hải sản và các loại rau nhúng với gia vị muối tiêu chanh ớt hoặc xì dầu tỏi ớt.
Ngao bạn nên nhúng vào cuối cùng vì mặc dù tiết ra chất ngọt nhưng ngao cũng có vị mặn. Nên nếu như cho ngao vào nước lẩu ngay từ đầu sẽ dễ khiến cho nước lẩu bị đậm và hơi đục.
Như vậy, Coobeo đã chia sẻ 1 cách chi tiết cách nấu lẩu hải sản tại nhà, từ khâu chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu đến cách nấu nước cốt lẩu ngon như ngoài hàng. Chúc các bạn thành công khi áp dụng cách làm trên và đừng quên chia sẻ thành phẩm của mình ở dưới phần bình luận nhé!