Cách ngâm dâu tằm, làm siro dâu tằm và mứt dâu tằm
Cách ngâm dâu tằm và làm siro dâu tằm thơm ngon, không bị váng nhớt và đặc biệt cách làm mứt dầu tằm cũng được Cookbeo chia sẻ chi tiết trong bài viết dưới đây.
Nguyên liệu
- 2kg dâu tằm (hay còn gọi là dâu ta)
- 1kg đường trắng
- 100g đường phèn
- 100g đường vàng (hoặc đường trắng đều được)
- Muối hạt
Cách làm
Sơ chế nguyên liệu
Dâu tằm mua về bạn nhặt bỏ những quả bị dập, nhũn nát, chỉ chọn những quả còn nguyên vẹn và tươi mọng. Vì nếu lẫn những quả dập vào thì nước ngâm dâu hay có vị úng, làm giảm đi độ thơm ngon.
Dâu sau khi nhặt thì cắt bỏ cuống. Mục đích sau khi ngâm, phần bã dâu này sẽ dùng để làm mứt dâu, nên các bạn cắt bỏ cuống đi để không bị lẫn vào, khi ăn bị nhộn nhạo.
Rửa dâu qua 2 lần nước, nhẹ nhàng để tránh dâu bị dập nát. Sau đó ngâm dâu vào nước muối khoảng 15 phút để làm sạch dâu. Vì trong kẽ dâu tằm hay bám bụi và chứa nhiều côn trùng nhỏ.
Sau khi ngâm muối, vớt dâu ra rửa lại rồi để ráo nước.
Nấu 1 nồi nước sôi, để nguội bớt còn khoảng 80 độ thì lấy nước này dội lên dâu. Mục đích làm sạch và khử khuẩn quả dâu, giúp khi ngâm dâu không bị váng nhớt. Sau đó để dâu thật ráo nước.
Cách ngâm dâu tằm
Dâu sau khi ráo nước thì cho vào lọ. Cứ 1 lớp dâu thì rải 1 lớp đường. Tỷ lệ ngâm dâu và đường là 1:1/2. Ở đây, với khoảng 2kg dâu thì sẽ dùng 1 kg đường.
Lọ ngâm dâu nên được vệ sinh sạch sẽ, lau khô. Nếu được, bạn có thể dùng nước muối đun sôi để nguội tráng qua bình/lọ đựng rồi lau khô. Có như vậy, nước ngâm dâu sẽ sạch, thơm và không hề bị váng nhớt.
Sau khi xếp dâu đường vào lọ, đóng kín nắp rồi để ở nơi thoáng mát. Khoảng sau 1-2 ngày, nước ngâm dâu đã có thể sử dụng.
Tuy nhiên, nếu ngâm dâu tươi như thế này có 1 đặc điểm là sau khoảng 3-4 ngày, nước ngâm sẽ lên men, và càng để lâu nó càng có vị như rượu. Chính vì vậy, nếu ngâm dâu theo cách này, sau khi dâu đã sử dụng được, bạn cất lọ dâu vào ngăn mát tủ lạnh và dùng trong thời gian ngắn.
Để nước ngâm dâu bảo quản được lâu hơn, bạn có thể tham khảo cách làm siro dâu ngay dưới đây.
Cách làm siro dâu tằm
Ngâm dâu tương tự như cách trên, nhưng sau tầm 12 tiếng, khi dâu đã chảy được khá nhiều nước và đường cũng đã tan gần hết, bạn cho hỗn hợp này vào nồi và nấu sôi lên.
Khi nấu, bạn có thể điều chỉnh pha thêm đường trắng hoặc đường phèn tùy ý thích uống ngọt hay chua dịu. Đặc biệt, để siro dâu không bị lại đường và thơm ngon hơn, bạn vắt thêm 1 ít nước cốt chanh vào nấu cùng. Ví dụ như với nguyên liệu trên, bạn dùng khoảng 1/4 hoặc 1/2 quả chanh tươi.
Ban đầu, bật lửa vừa để nước dâu sôi, sau đó hạ nhỏ lửa xuống, để sôi liu riu trong khoảng 15 phút. Tiếp đến, tắt bếp, để nước dâu nguội thì dùng dụng cụ rây để lọc bã.
Phần nước cho vào tô, phần bã lọc ra để riêng vào 1 cái bát để lát sên mứt dâu. Phần nước dâu này chính là siro dâu, bạn để nguội rồi cho vào chai, lọ. Sau đó đóng kín nắp rồi cất ở ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Làm theo cách này, siro dâu có thể dùng được nhiều tháng mà không sợ bị hỏng.
Cách làm mứt dâu tằm
Phần bã dâu sau khi lọc nước, cho vào chảo. Có thể trộn thêm 1 ít đường vàng (hoặc đường trắng) để gia tăng vị ngọt nếu như bạn không thích ăn chua.
Bật bếp ở lửa vừa để hỗn hợp này sôi, sau đó hạ về mức nhỏ nhất, đảo đều tay và sên mứt khoảng 45-60 phút. Sên đến khi thấy dâu và đường dẻo quánh lại, khô sánh là được. Tắt bếp, để mứt dâu nguội thì cho vào lọ, đóng kín nắp rồi để ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Mứt dâu có vị ngọt và thoảng chua dịu, thơm thanh. Mứt dâu bạn có thể ăn kèm với sữa chua hoặc phết lên bánh mì, ăn rất ngon miệng.
Ngoài siro dâu tằm, bạn cũng có thể làm siro mận hoặc mơ ngâm đường đều ngon và là thức uống giải khát rất tốt cho sức khỏe.