Cách làm chân gà ngâm sả tắc siêu ngon, không nhớt không đắng
Làm chân gà sả tắc thế nào để vừa giòn, vừa trắng đồng thời nước ngâm không bị nhớt, váng và đặc biệt là không bị đắng? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Cookbeo nhé.
Nguyên liệu
- 15 cái chân gà công nghiệp khoảng 1kg
- 10 nhánh sả
- 15 quả tắc (quả quất)
- 6 quả ớt hiểm
- 2-3 quả ớt sừng
- Dấm, đường, nước mắm, muối hạt, nước lọc
Cách làm
Sơ chế chân gà
Chân gà mua về nhớ lột bỏ hết lớp da vàng còn sót lại, chặt sạch móng, bóp kỹ cùng với muối hạt, rượu gừng. Sau đó mang đi rửa sạch.
Bạn có thể giữ nguyên chân gà hoặc chặt làm 2 tùy ý và tùy thuộc vào kích thước của chân.
Chuẩn bị 1 nồi nước, thả vào đó 1 ít sả (hoặc lớp bẹ già bên ngoài của nhánh sả), 1 ít gừng đập dập, đun sôi lên. Khi nước sôi cho chân gà vào luộc. Sả và gừng có tác dụng vừa làm sạch, vừa khử mùi và tạo hương thơm cho chân gà rất hiệu quả.
Thời gian luộc chân gà tầm 3-4 phút tính từ lúc nước sôi. Các bạn lưu ý chỉ cần luộc chân gà chín tới là được, không luộc chân gà quá kỹ, chân gà sẽ bị nứt, và như thế khi ngâm sẽ thường hay bị nhớt cũng như không được đẹp mắt.
Sau khi luộc gà xong, bạn vớt ra ngâm ngay chân gà vào tô nước đá. Việc ngâm nước đá giúp cho chân gà được giòn và sẽ không tiết ra mỡ gây váng. Ngoài ra, bạn có thể vắt vào tô nước đá 1 ít nước chanh.
Nước chanh giúp cho chân gà được trắng hơn.
Khi chân gà nguội, bạn vớt ra, rửa sạch lại với nước lọc cho hết mỡ rồi cho ra rổ, để thật ráo nước.
Sơ chế sả, tắc, ớt
Sả bóc bỏ lớp bẹ già, cắt mủm gốc và phần lá trên ngọn, rửa sạch, thái thành từng vát chéo dài.
Tắc ngâm rửa qua nước muối thật sạch sẽ, để ráo. Sau đó cắt thành từng khoanh tròn có độ dày tầm nửa cm. Và để chân gà ngâm sả tắc không bị đắng, bạn nhớ bỏ hạt đi.
Ớt sừng, ớt hiểm rửa sạch, cắt bỏ cuống, thái lát chéo dài.
Pha nước ngâm chân gà
Đây là bước vô cùng quan trọng, quyết định hương vị của món chân gà ngâm sả tắc. Ở đây, các bạn pha chế nước ngâm chân gà theo tỷ lệ sau: Đun sôi 1,1 lít dấm, sau đó pha thêm 800g đường, 400ml nước mắm, 22g muối hạt và 400ml nước lọc. Khuấy đều để các nguyên liệu được hòa tan, sau đó để nguội.
Nếu muốn ăn đậm hơn, các bạn có thể tăng thêm 1-2g muối hạt.
Ngâm chân gà sả tắc
Xếp chân gà vào lọ, cứ 1 lớp chân gà lại rải 1 lớp sả, tắc và ớt, cứ thế xếp hết số chân gà và sả, tắc, ớt. Sau đó rưới nước mắm ngâm lên, rưới sao cho chân gà ngập trong nước. Đậy kín, bảo quản nơi thoáng mát.
Với cách làm chân gà ngâm sả tắc như trên, chỉ sau khoảng 6-7 tiếng, các bạn đã có thể lấy chân gà ra ăn được. Sau đó, nếu dùng không hết, bạn bỏ hũ chân gà bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để làm chậm quá trình lên men, từ đó tăng thời gian sử dụng của món ăn.
Yêu cầu thành phẩm
Chân gà giòn, các vị chua cay mặn ngọt hòa quyện rất vừa ăn. Nước ngâm chân gà không bị váng nhớt và không hề bị đắng, còn có mùi thơm vô cùng kích thích khứu giác của người dùng.
Lúc ăn chân gà sả tắc, bạn nên chấm kèm thêm với 1 ít tương ớt, hoặc là muối tiêu chanh cùng với lá rau răm. Món ăn này vừa là món ăn vặt hấp dẫn các bạn trẻ, và cũng là món nhậu ngon không thể chối từ đối với cánh mày râu.
Mẹo & lưu ý
- Nên chọn chân gà công nghiệp, nó có nhiều thịt mềm nên khi ngâm không bị quắt dai giống như chân gà ta.
- Để chân gà ngâm sả tắc không bị đắng, bạn cần bỏ hạt tắc ra và không nấu tắc.
- Để nước ngâm chân gà không bị nhớt, ngoài việc rửa sạch mỡ đọng lại trên chân gà sau khi luộc, bạn cần phải chú ý 3 điều:
- Thứ 1, nước ngâm phải thật nguội mới rưới vào để ngâm chân gà.
- Thứ 2, lọ/hũ dùng để ngâm chân gà phải thật sạch sẽ và khô ráo rồi mới xếp gà vào.
- Thứ 3, mỗi lần lấy chân gà ra để ăn, phải đảm bảo dụng cụ gắp gà sạch và khô.