Cách làm óc heo trần ngải cứu thơm ngon, bổ dưỡng
Óc trần ngải cứu thơm ngon, đặc biệt óc được sơ chế kỹ nên không hề bị tanh, trái lại rất ngậy, vị đậm đà trong khi đó ngải cứu có vị đắng nhẹ, hương vị hòa quyện vô cùng.
Nguyên liệu
- 1 bộ óc heo
- 1/3 bó rau ngải cứu ~ 50g
- 1 củ gừng
- Muối hạt, rượu trắng
- Gia vị: Nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu xay, muối (hoặc bột canh)
Lưu ý về nguyên liệu
Ngoài ngải cứu, bạn có thể chuẩn bị thêm ít táo đỏ, hạt sen, kỳ tử hay mua gói gia vị thuốc Bắc có bán sẵn ở các siêu thị, cửa hàng đồ khô... để trần hoặc tần cùng với óc heo.
Cách làm
Sơ chế óc heo
Óc heo mềm và dễ bị vỡ, đặc biệt, mùi tanh của óc heo khá đặc trưng, nên dù nó rất ngon, bổ dưỡng tuy nhiên nếu không biết cách sơ chế sẽ khiến cho nhiều e ngại khi thưởng thức.
Theo đó, bạn nên dùng tăm nhọn để tách gỡ những dây gân máu đỏ xung quanh viền óc, đồng thời lột bỏ các màng máu này đi bởi đây chính là nguyên nhân gây nên mùi tanh của óc heo. Tiếp đến, hòa 1 ít muối, rượu trắng và gừng tươi giã nhuyễn vào bát, sau đó đặt nhẹ óc heo vào ngâm khoảng 5 phút để làm sạch và khử mùi.
Sau khi đã ngâm hỗn hợp rượu gừng và muối, bạn xả nhẹ lại nước để óc heo sạch rồi để ráo. Bước tiếp theo ướp óc heo cùng 1 thìa cà phê rượu trắng, 1/4 tiêu xay, 1 thìa cà phê nước mắm, 1/4 thìa cà phê bột ngọt, 1/4 thìa cà phê đường và 1 ít gừng băm.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Gừng rửa sạch, 1 nửa đập dập băm nhỏ, nửa còn lại thái sợi nhỏ. Giữ lại vỏ gừng cho món óc trần thơm và dung hòa tính ấm của gừng.
Ngải cứu nhặt lấy lá xanh và ngọn non, ngâm rửa nước muối sạch sẽ, để ráo.
Nếu không ăn được đắng, bạn có thể luộc qua ngải cứu. Nấu nước sôi, cho rau ngải cứu vào luộc sơ qua trong 1 phút, sau đó vớt ra, xả lại nước. Làm như vậy sẽ giảm bớt vị đắng của ngải cứu.
Nếu thích ăn cay, bạn có thể cho thêm 1 vài lát ớt.
Làm óc heo trần ngải cứu
Cho 1 ít dầu ăn vào nồi, không nên cho quá nhiều khiến món óc trần mất đi vị thanh vốn có, cho gừng băm vào phi thơm lên, sau đó đến ngải cứu. Việc xào qua ngải cứu sẽ giúp giảm vị đắng của loại rau này đi rất nhiều.
Khi rau ngải cứu thấm đều dầu, cho thêm nước để nấu nước dùng trần óc heo. Với 1 bộ óc heo, bạn chỉ cần cho khoảng 500ml là vừa đủ.
Tăng nhiệt độ để nước dùng sôi, khi nước già sôi nhẹ nhàng thả óc heo vào để trần. Nêm nếm lại gia vị vừa ăn. Khi thấy óc heo chín, chuyển sang màu trắng đục thì bạn tắt bếp, múc ra tô, rắc thêm ít gừng và ớt . Trung bình, thời gian trần óc chín khoảng 4-5 phút ở mức lửa vừa.
Cách làm khác
Ngoài cách làm trên, bạn có thể làm óc heo hấp ngải cứu cũng rất ngon và giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng. Theo đó, bạn xếp lá ngải cứu vào đáy bát hoặc dụng cụ hấp, rồi đặt óc heo đã được ướp lên cùng với gừng băm, vài lát ớt (nếu ăn cay).
Cho nước vào nồi hấp, lượng nước tính từ đáy nồi đến xửng hấp khoảng tầm 1/2. Nấu đến khi nước sôi mới cho óc heo vào để hấp. Đậy kín nắp nồi, điều chỉnh bếp ở mức lửa vừa. Thời gian hấp óc heo chín trung bình khoảng 15 phút. Bạn có thể kiểm tra óc đã chín hay chưa bằng cách xiên que tăm nhỏ, nếu không thấy nước màu hồng chảy ra là được. Sau khi óc chín, nhấc bát ra và thưởng thức lúc nóng.
Thông tin thêm
Óc trần ngải cứu là món ăn rất được yêu thích ở Việt Nam. Ngoài hương vị bùi bùi ngậy ngậy, đây còn là món ăn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Trong đó, óc heo chứa khá nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe như năng lượng, đạm, tinh bột, canxi, sắt, nước, phốt pho, chất béo... Còn rau ngải cứu lại giàu chất xơ, là dược liệu quý trong việc chữa bệnh cảm cúm, rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt tốt cho não bộ.
Ngải cứu có nhiều tác dụng cho sức khỏe
Theo nghiên cứu, khi kết hợp óc heo với ngải cứu có tác dụng điều trị chứng rối loạn tiền đình, cải thiện trí nhớ hiệu quả, tăng cường đề kháng cho những người bị suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, vì giàu chất béo, chính vì thế các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên quá lạm dụng trong việc sử dụng óc heo để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp cao, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ...