Làm vịt nấu măng khô ăn cùng bún siêu ngon, đậm đà
Vịt nấu măng khô có độ bùi thơm, vịt đậm đà, sợi măng khô giòn giòn, ăn cùng bún rất ngon. Món vịt này nấu không khó, nhưng cần thời gian sơ chế măng nở mềm.
Nguyên liệu
- 800g thịt vịt
- 150g măng khô
- 400g tiết vịt (nếu có)
- 2 củ hành khô, 2-3 tép tỏi
- 1 đốt gừng nhỏ
- Hành lá, rau mùi ta, mùi ta
- 1-2 quả ớt cay
- Muối hạt
- Gia vị: Nước mắm, bột ngọt, bột canh, bột nêm, tiêu xay
- Bún ăn kèm
- Rau thơm: rau ngổ, mùi tàu, mùi ta, húng quế
Cách làm
Sơ chế thịt vịt
Để thịt vịt sạch và không bị hôi thì bạn bóp cùng với muối hạt và rượu gừng. Nếu không có rượu gừng, bạn có thể dùng rượu trắng, giã thêm gừng tươi hoặc dùng dấm hay nước cốt chanh. Ngoài rượu gừng thì lá na cũng có tác dụng làm sạch và khử mùi hôi của vịt rất hiệu quả.
Sau khi bóp muối và rượu, rửa sạch vịt rồi chặt thành từng miếng vừa ăn. Các bạn cũng có thể luộc vịt rồi lọc xương, thái miếng cho lên bát bún giống như khi ăn phở, nước luộc vịt dùng làm nước dùng chan bún cũng được.
Nếu sử dụng tiết vịt, bạn rửa sạch tiết, để ráo rồi cắt thành lát mỏng dài hoặc cắt miếng tùy ý.
Khi dùng tiết vịt bạn nên luộc riêng, vì tiết sẽ ra màu khiến cho nước dùng vịt nấu măng bị đục. Cho nước vào nồi, thêm vài lát gừng tươi để luộc cùng tiết cho thơm. Khi nước sôi mới thả tiết vào để luộc. Để tiết luộc không bị xốp rỗ và khô, bạn nên luộc ở lửa sôi nhỏ. Thỉnh thoảng dùng đũa khuấy nhẹ để tiết không bị dính dưới đáy nồi.
Thời gian luộc tiết vịt chín trung bình khoảng 11-12 phút ở lửa sôi nhỏ. Tiết chín vớt ra bát riêng, đổ nước luộc xâm xấp mặt tiết để tiết mềm ngon, không bị xộp khô.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Măng khô cần ngâm nước cho măng nở mềm. Thường thì nếu chủ đích làm vịt nấu măng khô hay gà nấu măng khô hay các món miến xào hay món xào dùng măng khô thì bạn nên ngâm măng từ hôm trước đó để măng có thể nở mềm. Lúc ngâm măng bạn thay nước khoảng 3-4 lần để măng sạch.
Măng sau khi ngâm nở mềm, cắt bỏ phần chân măng già và cứng, xé măng thành sợi và rửa lại rồi mang đi luộc.
Cho măng vào nồi, đổ nước ngập măng, cho thêm nhúm muối hạt vào luộc cùng. Khi luộc măng không đậy nắp.
Măng sôi được 5 phút vớt ra, xả lại nước, thay nước mới và luộc thêm 2-3 lần nữa cho măng sạch, để ráo nước.
Hành khô, tỏi và gừng băm nhỏ, ớt đập dập, cắt khúc hoặc băm nhỏ tùy ý.
Rau nêm và rau thơm nhặt ngâm rửa nước muối sạch sẽ. Rau nêm thái nhỏ.
Khi nấu các món liên quan đến vịt, ngoài hành lá thì rau ngổ và rau mùi tàu (ngò gai) rất hợp vị. Tuy nhiên đối với rau ngổ các bạn không nên cho quá nhiều vì rau ngổ khá nồng mùi và còn có vị đắng nhẹ. Những loại rau gia vị này các bạn nhặt rửa, ngâm nước muối sạch sẽ rồi thái nhỏ. Đặc biệt rau ngổ bạn nên bấm ngọn bỏ đi vì đây là loài rau thủy sinh có khá nhiều giun, sán bám vào.
Chần bún bằng nước sôi rồi cho ra rổ, để ráo. Lưu ý, không nền chần bún trong nước ninh vịt sẽ làm cho nước dùng bị chua.
Ướp vịt
Thịt vịt bạn ướp cùng với:
- 1/2 thìa canh bột nêm
- 3 thìa canh nước mắm
- 1 thìa cà phê bột ngọt
- 1/2 thìa cà phê hạt tiêu xay
Bóp đều rồi cho 1 ít hỗn hợp hành, tỏi, gừng, ớt băm vào ướp cùng với thịt vịt cho thơm. Để thịt vịt thấm gia vị trong khoảng 20-30 phút.
Pha nước chấm vịt
Trong lúc đợi ướp vịt, bạn có thể pha nước chấm, lát có thể chấm kèm thịt vịt để tăng thêm phần đậm đà:
- 1,5 thìa canh đường
- 2 thìa canh nước mắm
- 1 thìa canh tương ớt
- 1,5 thìa canh nước cốt chanh
- 3,5 thìa canh nước lọc
Khuấy đều cho tương ớt và đường tan quyện vào nhau, cuối cùng cho tỏi, gừng, ớt băm vào.
Làm vịt nấu măng khô
Cho 2 thìa canh dầu ăn vào nồi, phi thơm hành khô, tỏi, gừng, ớt. Có thể rưới thêm chút nước mắm khi hỗn hợp này ngả sang màu vàng hanh cho bật dậy mùi đậm thơm.
Tiếp đến cho thịt vịt vào, tăng nhiệt độ lớn 1 chút cho thịt vịt săn lại, bùi thơm.
Khi thịt vịt chín, săn lại, thì cho măng khô vào cùng, đảo thêm khoảng 2 phút.
Tiếp đến cho nước vào để nấu nước dùng. Lượng nước cho vào ước tầm 3,5 lít là đủ cho 5-6 người dùng.
Tăng nhiệt độ để nước bùng sôi, sau đó điều chỉnh lại lửa, để sôi liu riu, hớt bỏ bọt và nấu trong khoảng 30 phút để thịt vịt có độ mềm và thấm vị.
Để nước ninh vịt nấu măng trong thì khi nấu bạn nhớ hớt bọt thường xuyên và có thể hớt bớt lớp mỡ béo nếu không muốn ăn quá ngậy. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn của món vịt nấu măng đó chính là mặt nước dùng vẫn có lớp mỡ béo màu vàng nhạt nổi lên lấp lánh trên bề mặt nên bạn nhớ đừng hớt bỏ hết chúng đi.
Sau 30 phút, bạn nêm lại gia vị vừa ăn, gồm có bột canh, bột nêm, chút xíu bột ngọt, nước mắm. Gia vị các bạn chủ động điều chỉnh sao cho hợp với khẩu vị. Nếu ăn kèm bún thì nên nêm đậm hơn 1 chút.
Sau khi nêm gia vị, nấu thêm khoảng 1-2 phút là món vịt nấu măng khô đã hoàn thành.
Cho lượng bún vừa đủ vào bát/tô, gắp 3-4 miếng thịt vịt, 2-3 miếng tiết, 1 nhúm rau thơm rồi múc nước dùng lên trên. Để nước dùng nóng lâu, bạn khuấy đều rồi múc từ dưới đáy nồi lên.
Chuẩn bị đĩa rau thơm ăn kèm, thêm 1 bát nước mắm gừng chua ngọt để chấm thịt vịt nếu thích ăn đậm hoặc là thêm chút măng ớt ngâm cay nồng.
Nếu như vịt nấu măng tươi có độ ngọt thanh, thì vịt nấu măng khô ngọt thơm, nước dùng trong và đậm đà, thịt vịt thơm còn măng khô bùi bùi, giòn giòn. Ăn cùng bún rất ngon miệng, không quá gây đầy bụng.