Cách làm mứt dừa hoàn chỉnh để đón Tết 2022
Tết này bạn sẽ hoàn toàn tự tin chiêu đãi gia đình, người thân đĩa mứt dừa dẻo ngon, thơm nức mũi và siêu đẹp mắt sau khi tham khảo cách làm mứt dừa mà Cookbeo chia sẻ trong bài viết dưới đây. Đảm bảo bạn sẽ rất hài lòng và thích thú vì thành công ngay lần đầu tiên thực hiện.
Nguyên liệu
- 1 quả dừa ~ 500g
- 250g đường trắng
- Muối hạt
- 1-2 quả chanh
- 1 ống vani
Lưu ý về nguyên liệu
Để làm mứt dừa ngon, bạn nên chọn dừa bánh tẻ hoặc dừa non. Dừa già làm mứt ăn khá cứng và có cảm giác bị bã, không được bùi ngậy giống như 2 loại dừa trên. Dừa bánh tẻ sẽ có độ cứng vừa phải mà vẫn giữ được độ ngọt, rất thích hợp để làm mứt. Còn mứt dừa non ăn rất mềm ngậy và đưa miệng.
Nếu làm mứt dừa nhiều màu sắc, bạn có thể chuẩn bị màu thực phẩm (loại dành trong làm bánh) hoặc tự làm màu từ các nguyên liệu tự nhiên. Ví dụ như màu vàng làm từ bột hoa dành dành, sợi saffron ngâm, nước ép cà rốt. Màu tím được ngâm từ hoa đậu biếc hoặc lá cẩm tím, màu xanh từ nước ép lá dứa hoặc bột trà xanh. Còn màu đỏ, hồng từ nước ép củ dền...
Ngoài vani, bạn cũng có thể thay bằng tinh dầu hoa bưởi hoặc sữa tươi không đường để tăng thêm hương vị thơm ngon hấp dẫn cho món mứt dừa.
Cách làm
Sơ chế dừa
Cùi dừa bạn gọt lớp vỏ xơ nâu cứng bên ngoài, rửa sạch lại sau đó nạo sợi có độ dày 0,2 - 0,3cm. Bạn cũng có thể cắt dừa thành từng miếng vuông, hình chữ nhật hay hình tam giác tùy ý nhưng vẫn đảm bảo độ dày của miếng dừa như trên. Bởi vì nếu miếng dừa quá dày thì khi sên, bên trong vẫn chưa thoát hết nước dẫn đến mứt bị ướt.
Dừa sau khi nạo sợi xong, bạn cho dừa vào bát ngâm với nước muối loãng để khử nhựa. Sau đó rửa lại nhiều lần với nước để sạch dầu. Vì trong dừa chứa rất nhiều tinh dầu, nếu không rửa hết thì khi sên mứt dừa dễ bị cháy hoặc bị vàng.
Nấu 1 nồi nước, vắt vào đó 1-2 quả chanh (tùy vào số lượng dừa). Chanh giúp cho dừa có màu trắng và có tác dụng làm dừa dẻo hơn. Khi nước sôi, thả dừa vào để chần trong 2 phút ở lửa vừa. Sau đó vớt dừa ra, xả lại nhiều lần với nước. Tiếp tục nấu 1 nồi nước khác để chần dừa lần 2. Việc chần dừa sẽ làm cho tinh dầu có trong dừa giảm thiểu đi rất hiệu quả. Bạn có thể chần lần 3, lần 4 nếu thấy dầu dừa vẫn tiết ra nhiều.
Dừa sau khi chần bạn nên rửa thật sạch lại, đến khi nước trong, không còn thấy nhờn nữa là được. Cho dừa sợi ra rổ, để thật ráo nước.
Ướp đường
Dừa sau khi ráo nước, bạn cho vào bát và ướp cùng với đường. Để làm mứt dừa hay các loại mứt khác, bạn nên ướp theo tỷ lệ 1 nguyên liệu: 1/2 đường, thậm chí có thể tăng thêm lượng đường. Nếu cho ít đường hơn tỷ lệ trên, mứt sẽ không thể bung phấn trắng mà sẽ bị dẻo nước, sên mãi không khô.
Nếu bạn làm mứt dừa nhiều màu, bạn hòa màu với ít nước (độ đậm nhạt tùy ý bạn điều chỉnh cho phù hợp), sau đó cho dừa, đường vào. Trộn nhẹ nhàng để sợi dừa thấm đều màu.
Thời gian ướp đường ít nhất phải được 2-3 tiếng. Nguyên liệu thấm đường khi sên thành mứt rất ngon, dẻo và có mùi thơm ngọt dịu từ bên trong. Thỉnh thoảng bạn cũng có thể đảo nhẹ để đường nhanh tan.
Sên mứt dừa
Sên mứt dừa không khó, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và điều chỉnh mức lửa hợp lý. Bạn cho hỗn hợp dừa ngâm nước đường vào chảo, bật lửa nhỏ vừa. Ví dụ như bếp có 8 mức, bạn để ở mức 3 là phù hợp.
Ban đầu, bạn cứ để hỗn hợp này sôi nhẹ mà không cần đảo để mứt dừa không bị lại đường. Khi nước đường sánh lại còn 1/2, bạn hạ lửa xuống 1 mức. Lúc này đảo nhẹ đến khi thấy nặng tay, đường bắt đầu kết dính lại thì hạ xuống 1 mức nữa (mức nhỏ nhất) và cho vani hoặc hương bưởi/sữa tươi vào.
Nếu cho sữa tươi, đối với 250g-300g dừa, bạn cho 100ml sữa tươi.
Khi các sợi dừa đã tơi rời nhau, bạn tắt bếp nhưng vẫn đảo thêm khoảng 5-10 phút để mứt thật sự khô ráo. Thời gian sên mứt trung bình 30 phút.
Nếu làm mứt dừa nhiều màu, bạn lần lượt sên các mẻ, màu trung tính trước (màu trắng, vàng), màu đậm sau (tím, đỏ hồng, xanh...)
Mẹo & lưu ý
Một số lưu ý khi làm mứt dừa:
- Nếu làm mứt dừa với số lượng lớn, bạn nên chia nhỏ thành nhiều mẻ để sên, như vậy mứt dừa sẽ khô đều.
- Khi sên mứt, hãy kiên trì sên ở mức lửa nhỏ vừa->nhỏ->nhỏ nhất. Không nên nóng vội mà để lửa to, mứt dừa sẽ bị vàng và bị cháy khét. Ở bước cuối cùng của công đoạn sên, nên đảo đều tay để mứt bám đều đường. Nếu bạn để lâu và không hề đảo, đường sẽ bị cháy.
- Sau khi sên, lúc vừa tắt bếp và mứt còn nóng, bạn đeo bao tay thực phẩm và bóp nhẹ để rũ bớt đường cục bám vào mứt. Động tác này cũng giúp cho mứt dừa đẹp mắt khi đường bung phủ lên miếng mứt đều hơn.
- Trong trường hợp thấy 1 số miếng mứt dừa có tình trạng lớp đường bám vào hơi ươn ướt trong khi các miếng khác đều đã se khô lại, hãy bình tĩnh. Những miếng này thường là chưa được duỗi thẳng, còn gập vào nhau nên vẫn ẩm. Bạn duỗi thẳng sợi ra và tiếp tục sên. Hoặc nguyên nhân cũng có thể do miếng dừa được cắt thái khá dày. Cách xử lý trong trường hợp này là bạn nên cắt nhỏ miếng dừa và tiếp tục sên như bình thường.
- Sau khi sên, để mứt dừa khô ráo và không bị chảy nước, bạn nên đem mứt đi phơi nắng 2-3 giờ. Nếu không có nắng, bạn nên sấy mứt bằng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu, ở nhiệt độ 100 độ trong 20-25 phút và lưu ý mở hé cửa lò để hơi nước được thoát ra. Hoặc bạn cũng có thể cho mứt lại vào chảo để sên lần 2, ở lửa nhỏ nhất trong 15-20 phút.