Cách làm nước rau diếp cá uống giúp giải nhiệt, thanh mát, đẹp da
Nước rau diếp cá có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như trị táo bón, trĩ, mụn nhọt, cải thiện chức năng gan... và đặc biệt còn được sử dụng như là 1 dược liệu an toàn trong việc làm đẹp da cho chị em phụ nữ.
Nguyên liệu
- Diếp cá tươi: 50g
- Nước lọc: 500-600ml
- Đường trắng: 10g
- Đá viên
Cách làm
Sơ chế nguyên liệu
Rau diếp cá mua về nhặt sạch, bỏ những rễ đen, lá hỏng hay lá bị vàng. Sau đó rửa nhiều lần với nước để trôi hết bùn đất và các loài sâu bọ, giun sán bám vào.
Tiếp đến, hòa 2 thìa muối hạt/muối tinh vào chậu nước, ngâm rau diếp cá trong khoảng 15 phút để khử khuẩn. Sau đó vớt rau diếp cá ra và rửa lại thêm 2-3 lần đến khi rau sạch, nước rửa rau trong là được rồi cho ra rổ để ráo nước.
Làm nước rau diếp cá
Cho rau diếp cá vào máy xay sinh tố, đổ nước lọc vào và xay.
Nước xay lọc qua rây, lấy phần nước cốt. Khi uống có thể hòa thêm chút đường để nước diếp cá thơm ngon và dễ uống hơn. Đặc biệt, khi cho thêm vài viên đá lạnh vào sẽ tăng thêm phần hấp dẫn cho loại nước uống thanh nhiệt này.
Thông tin thêm
Ngoài dùng làm nước uống, bạn có thể tận dụng phần nước cốt này để làm mặt nạ bằng cách kết hợp diếp cá với mật ong. Theo đó, pha hỗn hợp nước diếp cá với mật ong theo tỷ lệ 1:1 (cứ 1 thìa nước cốt diếp cá thì pha 1 thìa mật ong nguyên chất). Trộn đều hỗn hợp này lên. Rửa mặt thật sạch, khô ráo thì bôi hỗn hợp này lên mặt, cổ. Thoa nhẹ để hỗn hợp này thấm đều mặt và để trong khoảng 30 phút, sau đó rửa mặt sạch sẽ. Diếp cá với mật ong kết hợp lại sẽ tạo thành 1 hỗn hợp kháng khuẩn, giúp dưỡng ẩm da, chống lão hóa và nếp nhăn, ngăn ngừa mụn, giảm viêm tấy, từ đó khiến làn da khỏe mạnh và tươi sáng, căng mịn và trắng hồng hơn.
Uống nước diếp cá vào lúc nào?
Dùng bao nhiêu rau diếp cá trong 1 ngày là hợp lý?
Theo Đông y, tùy theo thể trạng sức khỏe và bệnh lý mà nên điều chỉnh liều lượng sử dụng rau diếp cá/bột rau diếp cá trong 1 ngày cho phù hợp. Vì rau diếp cá có tính mát vì vậy không nên sử dụng quá nhiều và chỉ nên dùng 15-50g rau diếp cá/ngày/người là hợp lý.
Tác dụng của rau diếp cá
Rau diếp cá là loài thảo dược thuộc họ lá giáp, có nhiều tên gọi khác nhau như rau giấp cá, sầm thảo, xú tinh thảo, cửu tiết liên... Giống cây này thân mềm và thẳng, cao khoảng 40cm, mọc thành bụi, sức sống bền bỉ, rễ mọc dưới đất và cả trên thân để bò lan rộng trên mặt đất, hoa nhỏ màu trắng. Cây sinh sôi chủ yếu vào tháng 5-8.
Lá diếp cá có hình trái tim, đuôi lá nhọn, có mùi hăng hắc, tanh tanh nên mới có tên gọi là rau diếp cá. Cây sống bền nên thu hoạch thường xuyên, quanh năm.
Diếp cá chứa nhiều hàm lượng giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người như vitamin A, B, sắt, protein, canxi và nhiều hoạt chất quý khác. Chính vì thế lá và thân cây diếp cá có thể ăn sống hoặc được sử dụng để làm dược liệu nhằm tăng cường sức khỏe, chữa trị 1 số bệnh như:
Rau diếp cá trị táo bón do diếp cá có tính mát, thải độc, giải nhiệt tốt: Dùng khoảng 25-30g rau diếp cá tươi (hoặc 20g diếp cá đã sấy khô hoặc chế biến thành bột rau diếp cá), đun sôi cùng với nước. Riêng diếp cá sấy khô/bột thì pha giống như pha trà mạn. Uống trong khoảng 10 ngày sẽ thấy chứng táo bón, chướng hơi đầy bụng thuyên giảm.
Rau diếp cá trị ho: Ngâm muối, rửa sạch các nguyên liệu gồm: rau diếp cá (30g), lá đinh lăng (24g), lá xương sông (24g), rau má (30g), lá cây dâu tằm (24g), lá mã đề (24g). Sau đó cho tất cả vào nồi, đổ ngập mặt nước và đun sôi, sắc dùng làm nước uống, ngày chia làm 3 lần sau mỗi bữa ăn khoảng 30-45 phút. Dùng đều đặn từ 3-5 ngày sẽ thấy hiệu quả trị ho rõ rệt.
Chữa bệnh trĩ bằng rau diếp cá: Theo Đông y, người bị trĩ nên sử dụng rau diếp cá như 1 loai rau sống ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, có thể rửa sạch, đun sôi rồi để âm ấm thì dùng để xông, rửa hậu môn. Phần bã có thể để nguội rồi đắp vào hậu môn, sau đó rửa sạch, lau khô. Làm thường xuyên, đều đặn hàng ngày sẽ cho kết quả tốt trong việc điều trị trĩ.
Rau diếp cá chữa viêm bàng quang: Viêm bàng quang sẽ dẫn đến triệu chứng bí tiểu hoặc tiểu buốt, rất khó chịu và khiến người bị cảm thấy bức bối, ấm ách. Để giảm thiểu chứng này, bạn có thể uống nước diếp cá đều đặn hàng ngày và ăn sống lá diếp cá. Hoặc có thể kết hợp với các nguyên liệu khác như rau má, lá tre, mã đề, râu ngô, đun sôi hỗn hợp này và uống ngày 2 lần.
Rau diếp cá có tốt cho gan? Câu trả lời là có, bởi vì diếp cá có tính mát, giúp giải nhiệt, tiêu viêm, thải độc, rất tốt cho chức năng gan, thận.
Rau diếp cá trị giãn tĩnh mạch: Trong lá diếp cá có chứa nhiều chất xơ, giàu flavonoid giúp cho thành mạch bền và khỏe hơn. Bên cạnh rau diếp cá, người bị giãn tĩnh mạch cũng nên sử dụng thêm rau má sẽ hỗ trợ điều trị tình trạng này hiệu quả hơn.
Chữa viêm tai giữa bằng rau diếp cá: Dùng rau diếp cá khô (20g) và táo đỏ (10g) sắc cùng với 600ml, đun sôi đến khi cô đặc lại còn 200ml thì chia làm 3 lần uống/ngày. Đều đặn sắc và uống hỗn hợp này trong 1 tuần sẽ thấy tình trạng viêm tai giữa thuyên giảm rõ rệt. Hoặc theo dân gian, bạn có thể lấy phần nước cốt của rau diếp cá sau khi giã nhuyễn, nhỏ 2-3 giọt vào bên tai bị đau. Tuy nhiên cách này khi áp dụng cần phải có hướng dẫn của bác sĩ Đông y, không nên tự tiện nhỏ vào tai.
Rau diếp cá giúp hạ sốt nhanh: Giã nát rau diếp cá (20-30g), hòa với nước rồi đun sôi, để âm ấm thì uống thay nước lọc. Hoặc có thể giã rau diếp cá rồi dùng bã đắp vào 2 bên thái dương để hạ sốt.
Rau diếp cá điều hòa kinh nguyệt: Xay rau diếp cá và rau ngải cứu (liều lượng mỗi thứ bằng nhau), xay nhuyễn/giã rồi lọc lấy nước cốt, uống 1 lần/ngày thường xuyên, đều đặn sẽ giúp cho kinh nguyệt ổn định. Nếu như không uống được ngải cứu vì đắng, bạn có thể xay diếp cá với 1 ít muối, và cũng uống 1 lần/ngày. Bên cạnh đó, người có kinh nguyệt không đều có thể ăn sống rau diếp cá hàng ngày cũng sẽ cho kết quả tốt.
Rau diếp cá trị mụn, làm mặt nạ rau diếp cá, giúp da sáng khỏe: Ngoài các công dụng chữa bệnh kể trên, rau diếp cá còn được biết đến như là 1 loài thảo dược giúp chị em có làn da sáng đẹp, khỏe mạnh, trị mụn hiệu quả lại an toàn: Diếp cá xay nhuyễn rồi dùng bã đắp lên các nốt mụn nhọt, sau đó rửa sạch. Hoặc có thể kết hợp diếp cá với mật ong, nghệ, cám gạo hoặc sữa chua không đường để tạo thành mặt nạ đắp mặt, cũng rất tốt cho làn da.
Tác dụng phụ của rau diếp cá
Thực tế, diếp cá là loài thảo dược lành tính, không độc. Vì thế nó được dùng để ăn hàng ngày, xay nước uống hoặc làm dược liệu như đã nói ở trên. Tuy nhiên, tùy vào cơ thể từng người, không nên dùng quá nhiều rau diếp cá/ngày. Bởi có nhiều trường hợp dùng diếp cá với liều lượng lớn, dẫn đến tình trạng hoa mắt chóng mặt hoặc bị tiêu chảy. Theo nghiên cứu, nên dùng dưới 50g diếp cá/ngày. Chính vì vậy, khi sử dụng, cần xem cơ thể phản ứng như thế nào rồi điều chỉnh liều lượng cho phù hợp với thực trạng sức khỏe.
Đặc biệt, 1 số người có thắc mắc về việc ăn rau diếp cá có bị vô sinh không? Đây là thông tin không có căn cứ và chưa có khoa học nào xác thực điều này. Trái lại, vitamin B và chất folate có trong rau diếp cá còn có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa các bệnh về phụ khoa, tăng cường chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Cụ thể, đối với nữ thì điều hòa kinh nguyệt còn nam thì điều trị chứng rối loạn cương dương, tăng cường lưu thông máu đến dương vật.