Chuẩn bị mâm cúng tất niên cuối năm đón Tết đủ đầy
Mâm cúng tất niên không cần quá cầu kỳ, tùy thuộc vào văn hóa vùng miền và điều kiện từng gia đình mà thực hiện tươm tất, ấm cúng, thể hiện lòng thành của gia chủ kính dâng lên thần linh và tổ tiên.
Cúng tất niên được xem là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam bao đời nay, với ý nghĩa kết thúc năm cũ và chào đón một năm mới đến. Đây là dịp mà cả gia đình quây quần, cùng nhau nấu mâm cơm cúng dâng lên thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho cả nhà trong suốt một năm qua.
Tùy thuộc vào văn hóa từng vùng miền mà mâm cúng tất niên sẽ được thực hiện vào chiều hoặc tối ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết nếu tháng thiếu). Ngoài mâm cơm này, gia chủ cũng chuẩn bị thêm 1 mâm cỗ ngày Tết nữa để cúng vào lúc 12 đêm 30 Tết. Tuy nhiên hiện nay nhiều gia đình thường gộp làm chung 1 mâm cơm cúng tất niên và thắp hương vào lúc Giao thừa.
Mâm cúng tất niên thể hiện tấm lòng của gia chủ đối với thần linh và gia tiên, nên nó có thể không quá cầu kỳ nhưng cần chu đáo, tươm tất. Ngoài ý nghĩa tỏ lòng thành, biết ơn sự phù hộ của thần linh và gia tiên, khi khấn gia chủ nên mời thần linh, tổ tiên về ăn tết và cùng đón một năm mới bình an, may mắn và nhiều sức khỏe, thuận lợi.
Mâm cúng tất niên có thể thắp hương món mặn hoặc món chay, tùy thuộc vào tập quán và khẩu vị, sở thích của từng gia đình. Dưới đây, Cookbeo xin phép gợi ý một số món ăn cho mâm cúng tất niên ấm cúng, đủ đầy:
Gà luộc
Gà luộc là món bắt buộc phải có trong mâm cúng tất niên.
Gà luộc là món ăn dường như không thể thiếu trong mâm cúng tất niên. Nên chọn gà trống, làm sạch sẽ và buộc cánh tiên đẹp mắt. Để luộc gà ngon, bạn nên cho gà vào khi nước đã sôi, như vậy da gà sẽ giòn. Khi cho gà vào luộc, bạn nên hạ nhiệt độ xuống ở mức lửa vừa. Nên đập thêm ít gừng, cho vài lá chanh và ít nghệ tươi vào luộc cùng gà cho thơm.
Tùy vào gà già hay gà non, nặng hay nhẹ mà thời gian luộc gà sẽ khác nhau. Nhưng trung bình thời gian luộc gà khoảng 20-25 phút. Sau đó bạn nên ủ gà thêm 5-10 phút trong nồi mới vớt ra. Có thể kiểm tra gà đã chín hay chưa bằng cách xiên nhẹ đũa ở dưới đùi gà. Nếu không thấy nước đỏ hồng chảy ra nghĩa là gà đã chín.
Gà luộc chín cho ra đĩa, phết thêm ít mỡ gà để da gà được bóng bẩy và cắm cành hoa hồng đỏ hoặc hoa ớt cay vào miệng gà.
Để da gà không bị nứt, bạn không nên luộc gà ở lửa quá lớn và nên chủ động lật đều gà.
Xôi
Xôi cúng tất niên các bạn có thể nấu xôi trắng, xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi lá dứa hoặc xôi lá cẩm... Nhìn chung, cách nấu xôi về bản chất là nếp đãi sạch rồi đem ngâm 6-8 tiếng. Trước khi đồ nên trộn cùng với ít muối và chỉ cho vào xửng khi nước đã sôi.
Ngoài ra, nên đồ xôi thành 2 lần để xôi dẻo và không bị lại nếp. Thời gian đồ xôi lần 1 khoảng 30 phút ở lửa nhỏ vừa, lần 2 đồ khoảng 15-20 phút. Ở lần đồ thứ 2 bạn có thể cho thêm ít dầu ăn hoặc mỡ gà để xôi có độ bóng.
Cơm trắng & trứng luộc
Cơm trắng và trứng luộc
Bên cạnh xôi, nhiều gia đình thường chuẩn bị thêm 1 bát cơm trắng và quả trứng gà luộc để bên trên.
Cơm trắng nấu như cơm ăn bình thường. Trứng gà các bạn cho vào nồi nước sôi, luộc ở lửa vừa trong 9 phút là trứng chín.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng
Bánh chưng, bánh tét là nét đẹp văn hóa và ẩm thực của người Việt. Nó thể hiện sự đủ đầy, no ấm. Chính vì vậy trong mâm cúng tất niên của mỗi gia đình dường như không thể thiếu bánh chưng (miền Bắc), bánh tét (miền Nam).
Giò các loại
Giò lụa
Các bạn có thể chuẩn bị giò lụa, giò bò hoặc giò thủ (giò xào) để thắp hương. Giò cắt thành miếng rồi xếp khoanh tròn hoặc tạo hình tùy ý, sau đó để đĩa nhỏ riêng hoặc cho lên trên bánh chưng.
Nem rán
Nem rán
Nem rán miền Bắc hay chả giò theo cách gọi của người miền Nam là món ăn quen thuộc hàng ngày, thường xuất hiện trên các mâm cỗ ngày Tết và mâm cúng ông Táo hay mâm cúng tất niên. Nem được kết hợp nhiều nguyên liệu lại với nhau, như thịt heo xay, nấm mộc nhĩ, cà rốt, giá đỗ, rau thơm, hành tây, trứng gà... cuộn gói lại gọn gàng bởi lớp lá nem. Sau đó rán lên, giòn rụm và vàng ruộm rất đẹp mắt.
Tôm hấp, tôm chiên
Tôm sau khi nấu xong và lên đĩa thường có màu đỏ cam rất bắt mắt, nó làm cho mâm cúng tất niên trở nên màu sắc và sinh động hơn. Chính vì vậy, các bạn có thể chế biến một số món ngon từ tôm như tôm hấp, tôm chiên xù, tôm kho tàu, tôm rim hoặc làm gỏi cuốn tôm thịt...
Cá chiên hoặc cá kho
Bên cạnh tôm, bạn cũng có thể chế biến một số món ngon từ cá để thắp hương như cá chiên giòn hoặc cá trắm kho. Ngoài ra cá sốt cà chua, cá hấp xì dầu cũng là lựa chọn thú vị mà bạn không thể bỏ qua.
Thịt kho
Thịt kho
Trong mâm cúng cuối năm và đón giao thừa Cookbeo nghĩ các bạn nên chuẩn bị 1 đĩa nhỏ thịt kho. Thịt ở đây có thể là thịt bò kho hoặc thịt heo kho tùy theo khẩu vị của từng gia đình.
Các bạn có thể tham khảo cách làm một số món thịt kho ngon như thịt kho tàu, thịt kho tiêu, thịt kho măng, thịt kho củ cả hay bò kho gừng, bo kho tiêu... đã được Cookbeo chia sẻ chi tiết ở những bài viết trước.
Ngoài những món thịt kho đậm đà, bạn có thể thay đổi sang món thịt đông hoặc nấu đông thịt gà để thắp hương cúng tất niên.
Thịt luộc
Thịt luộc
Một khoanh nhỏ thịt ba chỉ luộc hoặc chân giò luộc trắng hồng, thơm dịu nhẹ chấm cùng với nước mắm cốt tuy đơn giản nhưng cũng rất ngon và là lựa chọn thích hợp để chuẩn bị khi bạn thực hiện mâm cúng tất niên.
Cách luộc thịt ngon các bạn cần chú ý nhất ở thời gian luộc. Trung bình thời gian luộc thịt chín khoảng 20-25 phút, nếu luộc tảng thịt lớn thời gian cần lâu hơn 1 chút. Kiểm tra thịt đã chín hay chưa bằng cách xiên nhẹ đũa vào miếng thịt, nếu không thấy nước đỏ hồng chảy ra là được.
Rau củ luộc
Rau củ luộc
Bên cạnh các món mặn được chế biến từ thịt heo, thịt bò, thịt gà... bạn nên luộc ít rau củ để cân bằng về chất cũng như màu sắc cho mâm cỗ ngày Tết.
Rau luộc phù hợp cho mâm cúng tất niên là rau cải chíp luộc, luộc củ cải trắng, su hào luộc, luộc đậu bắp, su su luộc... hoặc bạn có thể kết hợp hợp nhiều loại với nhau để có đĩa rau củ luộc thập cẩm đa màu sắc đầy hấp dẫn.
Rau củ xào
Nếu không nấu rau luộc, bạn chuyển sang các món rau củ xào. Bạn có thể tham khảo một số món rau xào ở đây.
Nộm (gỏi)
Nộm
Một đĩa nộm thập cẩm, giòn sần sật, thanh mát, chua cay mặn ngọt cũng là một gợi ý thú vị mà Cookbeo muốn chia sẻ cùng với các bạn.
Các bạn có thể làm nộm su hào, nộm đu đủ, nộm tai heo hoặc đơn giản là làm nộm dưa chuột cà rốt... Tuy nhiên khi làm nộm gỏi, các bạn nên để tỏi riêng. Sau khi thắp hương và hạ lễ xuống thì bạn mới trộn thêm tỏi vào. Vì theo phong tục tập quán của người Việt, không thắp hương những món ăn có tỏi và mùi tanh nồng.
Canh
Canh để thắp hương cúng tất niên khá đa dạng, các bạn có thể tham khảo chuyên mục các món canh.
Thường thì vào ngày Tết, người miền Bắc hay nấu canh bóng trong khi người miền Nam thường chế biến canh khổ qua nhồi thịt với mong muốn năm mới có nhiều may mắn, bỏ lại đằng sau những khổ đau, khó khăn.
Hành muối, củ kiệu muối
Hành muối
Ngày Tết thì không thể thiếu đĩa hành muối, củ kiệu muối giòn sật. Các món muối chua này vừa có tác dụng chống ngán, vừa hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, đặc biệt vào dịp Tết mọi người thường hay ăn nhiều món chiên rán, dầu mỡ, nhiều đạm.
Chè
Nếu có thời gian, Coobeo xin gợi ý một món ăn nên xuất hiện trong mâm cúng tất niên, đó là món chè hoặc bánh ngọt. Tùy vào sở thích và văn hóa ẩm thực từng địa phương mà bạn có thể nấu chè sen, chè đậu đỏ hay bánh ngào... Những món này có ý nghĩa chúc một năm mới ngọt ngào, gặp nhiều may mắn thuận lợi.
Trên đây là gợi ý một số món ăn cho mâm cúng tất niên mà các bạn có thể tham khảo để thực hiện. Những món ăn này các bạn cũng có thể lưu lại và chế biến cho mâm cỗ ngày Tết (3 ngày Tết nguyên đán). Ngoài những món trên, bạn nên chuẩn bị thêm tiền vàng, hoa và quả, rượu, trà... để dâng lên thần linh và tổ tiên.
Chúc các bạn thực hiện mâm cúng tất niên tươm tất, ấm cúng đủ đầy. Cookbeo cũng chúc các bạn có một năm mới an khang thịnh vượng và sẽ luôn dành tình cảm để ủng hộ, đồng hành cùng Cookbeo!