Mâm cơm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?
Dưới đây là một số gợi ý về mâm cơm cúng rằm tháng 7 mà bạn có thể tham khảo. Bạn cũng có thể chuẩn bị mâm cơm này cho những dịp khác như cúng rằm tháng giêng, lễ tết và đãi khách.
Tùy vào phong tục của từng gia đình và vùng miền, mâm cơm cúng rằm tháng 7 gồm có cúng chay hoặc cúng mặn. Trong bài viết này, Cookbeo xin chia sẻ với các bạn 1 số món ăn mà bạn có thể thực hiện cho lễ mặn cúng rằm tháng 7 âm lịch.
Gà luộc
Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng mặn vào ngày Rằm tháng 7. Bởi vì theo dân gian truyền lại, con gà là con vật thân quen, gắn bó với đời sống người Việt và được xem là cầu nối giữa thế giới thực của con người với thế giới khác. Ngoài ra, gà là đại diện của Trời. Đất và Nước, tượng trưng cho những điều tốt đẹp, điềm lành... Chính vì vậy, mỗi dịp Lễ, giỗ chạp, người ta thường cúng gà luộc để thành tâm dâng kính lên tổ tiên, thần linh.
Gà dùng để cúng thường là gà trống. Bởi vì theo quan niệm của ông bà ta, gà trống sở hữu đầy đủ cả 5 phẩm chất tốt đẹp là Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng và đặc biệt, xét về hình thức thì gà trống đẹp mã hơn gà mái. Trong trường hợp dùng gà mái, bạn nên chọn gà mái tơ, chưa đẻ trứng. Và sau khi luộc, thường người ta sẽ chặt và xếp đẹp đẽ, gọn gàng lên đĩa.
Để luộc gà ngon, da vàng bóng bẩy, bạn có thể tham khảo chi tiết tại đây. Gà luộc xong xếp ngay ngắn ra đĩa, có thể dùng cành hoa hồng đỏ hoặc ớt tỉa thành bông hoa cài vào miệng gà. Đặc biệt, khi cúng, đầu gà nên hướng vào ban thờ, thể hiện sự thành tâm, cung kính.
Xôi lá dứa
Ngoài gà luộc, trong mâm cơm cúng rằm tháng 7, các bạn nên chuẩn bị thêm 1 đĩa xôi. Ở đây, Cookbeo gợi ý cho các bạn món xôi lá dứa thơm ngon, bùi ngậy và có màu xanh đẹp mắt, tươi tắn.
Lá dứa rửa sạch, rồi xay lấy nước cốt, dùng nước cốt này để ngâm nếp trong khoảng 6-8 tiếng để nếp mềm dẻo và lên màu. Sau đó trộn nếp với ít muối và dầu ăn và cho vào xửng hấp. Để nấu xôi lá dứa ngon, bạn tham khảo cách làm chi tiết tại đây.
Ngoài xôi lá dứa, bạn có thể nấu xôi đậu xanh, xôi đậu phộng hoặc xôi gấc đều được.
Cơm trắng, trứng luộc
Khi cúng rằm tháng 7, ngoài xôi, người Việt quan niệm rằng không thể thiếu bát cơm trắng cùng với quả trứng luộc để cúng tổ tiên. Bát cơm quả trứng luộc chính là thể hiện mong muốn cho người đã khuất không bị đói hay thiếu thốn điều gì ở thế giới bên kia.
Bánh chưng, giò lụa
Cũng giống như xôi hay cơm trắng, bánh chưng cũng là món ăn thường xuất hiện trong mâm cơm cúng. Và đi cùng với bánh chưng không thể không có đĩa giò lụa, chấm với nước mắm ớt.
Ngoài giò lụa, ở nhiều nơi vẫn thường hay cúng giò bò, giò xào hay giò gân...
Nem rán
Nếu làm mâm cơm mặn cúng rằm tháng 7, bạn không nên bỏ qua món nem rán. Với việc kết hợp đầy đủ thịt, rau củ, trứng, miến... cuốn lại, rán giòn lên, màu vàng ruộm và thơm phức của nó chắc chắn sẽ khiến cho mâm cơm cúng rằm trở nên đẹp mắt và hấp dẫn hơn.
Cách làm nem rán cũng như bí quyết để nem rán giòn lâu, không bị ỉu được Cookbeo bật mí tại đây. Đặc biệt, cách làm nước chấm nem rán chuẩn cũng được chia sẻ trong bài viết trên.
Tôm chiên xù
Thêm 1 món mặn cho mâm cơm cúng rằm, đó là tôm chiên xù. Đĩa tôm chiên vàng óng, giòn rụm, thơm phức cũng là 1 gợi ý tuyệt vời cho bạn.
Tôm chọn những con to, tươi nhảy, mang về cắt bỏ râu, nặn bớt phần hoi tiêu hóa nơi đầu tôm, khéo léo rút dây chỉ đen dọc sống lưng tôm. Sau đó xóc muối hạt, rửa sạch và để tôm ráo nước.
Chuẩn bị tô bột ướt gồm có bột chiên giòn hoặc bột mì, trứng gà, bột sư tử, cho nước vào, khuấy đều và tạo thành hỗn hợp bột sánh mịn, sền sệt. Ngoài ra, chuẩn bị thêm tô bột chiên xù.
Tẩm tôm qua bột ướt và lăn qua bột chiên xù, rồi thả vào chảo dầu nóng già, chiên giòn lên. Sau đó vớt ra giấy thấm dầu và xếp ra đĩa.
Cách làm tôm chiên xù bạn tham khảo tại đây.
Rau củ luộc
Bên cạnh những món chiên rán, xào, thì mâm cơm cúng rằm tháng 7 cũng nên có 1 đĩa rau củ luộc để cân bằng dinh dưỡng và có tác dụng chống ngán.
Rau củ luộc bạn có thể linh động khi kết hợp cùng với nhau, bao gồm đậu bắp luộc, củ cải trắng luộc, cà rốt, cà tím, súp lơ luộc...
Rau củ luộc chấm cùng với muối vừng hoặc kho quẹt hay đơn giản là nước tương xì dầu ớt.
Miến lòng gà
Tận dụng nước luộc gà, bạn có thể nấu thêm 1 bát miến nước lòng gà thơm ngon hấp dẫn.
Theo đó, lòng gà bóp muối hạt, rửa sạch, thái nhỏ, xào thơm lên cùng với hành khô và nêm thêm ít nước mắm, tiêu xay.
Miến rửa sạch, khi nước luộc gà sôi thì thả vào, chần 1 lúc cho miến mềm thì vớt ra cho vào tô. Cho lòng gà đã xào lên trên cùng với hành lá, mùi ta thái rối. Nêm nếm nước luộc gà vừa ăn rồi rưới vào bát miến. Như vậy là bạn đã nấu xong món miến lòng gà rồi.
Ngoài những món ăn mà Cookbeo đã gợi ý trên, bạn cũng có thể tham khảo nhiều món ăn ngon khác ở trang web này để có thể thực hiện một mâm cơm cúng Rằm thật đầy đủ, đàng hoàng và đẹp mắt!