Lá dứa/lá nếp là lá gì và có tác dụng gì?
Lá dứa là lá gì?
Lá dứa là lá của cây dứa thơm - một loài thực vật thân thảo miền nhiệt đới có hình dạng thon dài như lưỡi gươm tụm lại ở gốc dùng làm gia vị trong nhiều món ăn của ẩm thực các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Lá dứa thơm này còn được gọi là lá nếp. Điều quan trọng khi phân biệt lá dứa thơm là cần tránh nhầm lẫn với lá cây dứa thông thường (dứa/khóm/thơm cho quả ăn được). Đây là 2 loại cây có tên gọi giống nhau nên khiến nhiều người nhầm lẫn.
Đặc điểm của lá dứa
Lá dứa được sử dụng phổ biến trong ẩm thực như 1 loại gia vị vì nó tạo nên mùi thơm dẻo ngọt thoang thoảng lẫn vào món ăn khiến hương vị của món ăn hấp dẫn hơn khi thưởng thức. Các loại món ăn sử dụng lá dứa có thể kể đến như: món chè, món xôi, một vài loại bánh như bánh đúc, bánh crepe, bánh da lợn, bánh bò nướng....
Bên cạnh đó lá dứa cũng được dùng để tạo màu xanh thay cho các loại thực phẩm tạo màu nhân tạo như làm các loại thạch, đông sương, rau câu...
Cách sử dụng lá dứa
Tạo hương thơm
Lá dứa rửa sạch, buộc túm lại rồi đem nấu lẫn với món ăn như nấu chè hoặc cho vào nồi nước khi đồ xôi.
Tạo màu
Để tạo màu, dùng lá dứa tươi rửa sạch, cắt khúc đem xay nhuyễn với nước, lọc bỏ bã. Dùng nước cốt thu được để sử dụng như 1 loại phẩm màu. Khi dùng với mục đích này thì không nên dùng nhiều, món ăn sẽ có vị hơi nồng nồng, có thể không phù hợp với 1 số người.
Mua lá dứa ở đâu?
Lá dứa được bán hầu hết ở các khu chợ. Nên đi chợ sớm vì lá dứa thường bán hết sớm. Ngoài ra cũng có thể mua lá dứa online trên mạng.
Tác dụng của lá dứa
Ngoài tác dụng tạo mùi, màu trong nấu ăn, ít người biết lá dứa còn được dùng để chữa bệnh.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, thành phần của lá dứa chứa nhiều chất bay hơi, phần lớn là 3-metyl-2(5H)-furanon (84%), 2-axetyl-1-pyrrolin (3%) là chất tạo mùi thơm.
Trong đông Y, lá dứa được dùng để chữa các bệnh đau nức xương khớp, ho, gút, viêm phế quản và ổn định đường huyết cho bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2. Lá dứa không độc nên bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng lâu dài mà không sợ ảnh hưởng đến nội tạng.
Một số bài thuốc từ lá dứa:
Cho người ăn uống kém, ăn không ngon
Dùng 10g lá dứa đem đun sôi với 3 ly nước đến khi còn lại 1 chén. Chia làm 2 lần uống sáng và tối.
Cho người bị hôi miệng
Lấy lá dứa nhai sẽ đỡ nhờ tinh dầu trong lá dứa.
Trị đau nhức xương khớp, thấp khớp
Lấy 3 chiếc lá dứa tươi rửa sạch, thái nhỏ đun với nửa chén dầu dừa rồi để nguội, thoa vào vùng bị đau.
Chữa chuột rút
Đun sôi 3 bát nước với 5 lá dứa tươi, 5 hạt bạch đậu khấu, vài lát gừng xắt lát trong 10 phút. Rót ra ly và thêm đường để uống nóng.
Uống trà lá dứa cũng có tác dụng hạ sốt, giảm đau ngực khi ho, giảm thân nhiệt. Trẻ nhỏ tiêu hóa kém uống trà lá dứa cũng được cải thiện.
Dùng lá dứa để làm đẹp
Ngâm mình trong bồn tắm có pha trà lá dứa sẽ làm dịu các vết bỏng nắng hiệu quả.
Dùng lá dứa để chăm sóc tóc
Cách 1:
Rửa sạch 10 lá dứa, xắt nhỏ, đun với nước cho cạn dần, để qua đêm cho cô đặc. Sáng hôm sau trộn với 3 thìa nước tría nhàu dùng để massage da đầu và gọi đầu giúp tóc đen mượt.
Cách 2:
Xay nát 10 lá dứa tươi với 1 chút nước. Lọc qua rây rồi xoa lên da đầu, để yên trong 30 phút rồi gội lại giúp trị gàu và ngăn rụng tóc.
Người bị tiểu đường
Bài thuốc 1:
Lá dứa tươi đem phơi khô vẫn còn màu xanh diệp lục. Mỗi ngày nấu 10 lá với 2.5 lít nước. Đun sôi cho đến khi còn lại 2 lít. Uống rải rác trong ngày, trước bữa ăn 20-30 phút. Uống liên tục 10 ngày kết hợp ăn kiêng theo chế độ và tập thể dục.
Bài thuốc 2:
Lá dứa tươi rửa sạch cho vào ấm sắc thuốc đun sôi rồi hạ lửa nhỏ. Sắc đến khi màu nước giống như nước trà xanh là được. Dùng uống thay nước lọc trong ngày.
Theo, Vnexpress