Tìm hiểu về đậu đỏ: Những tác dụng và ứng dụng trong nấu ăn
Tìm hiểu về những tác dụng của đậu đỏ đối với sức khỏe và cách chế biến đậu đỏ trong nấu ăn và làm đẹp.
Đậu đỏ là gì?
Đậu đỏ là 1 loại thực vật dây leo thuộc phân họ Đậu (bao gồm: đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu tương, đậu Hà Lan... và cả trăm loại khác - xem trên Wiki) phân bổ chủ yếu ở các nước Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loa, Triều Tiên, Hàn Quốc...).
Hạt đậu đỏ có màu đỏ nhưng đôi khi cũng có màu trắng, đen hoặc xám. Độ dài thông thường khoảng 0.5cm. Đậu đỏ gắn liền với ngày lễ Thất Tịch (7/7 âm lịch hàng năm) bởi trong tiếng Trung Quốc, đậu đỏ nghĩa là "hồng đậu" hay còn gọi là "tương tư".
Tên trong tiếng Anh: Azuki bean, adzuki bean.
Tên trong tiếng Hán: Mễ xích, xích tiểu đậu, mao sài xích
Giá trị dinh dưỡng và tác dụng của đậu đỏ
Đậu đỏ chứa nhiều chất xơ và chất xơ hòa tan, protein, carbohydrat và sắt. Theo Healthline, thành phần dinh dưỡng có trong 100g đậu đỏ như sau:
- Calo: 128
- Protein: 7,5 gam
- Chất béo: Dưới 1 gam
- Carbs: 25 gram
- Chất xơ: 7,3 gam
- Folate: 30% giá trị hàng ngày (DV)
- Mangan: 29% DV
- Phốt pho: 17% DV
- Kali: 15% DV
- Đồng: 15% DV
- Magiê: 13% DV
- Kẽm: 12% DV
- Sắt: 11% DV
- Thiamin: 8% DV
- Vitamin B6: 5%
- Riboflavin: 4% DV
- Niacin: 4% DV
- Axit pantothenic: 4% DV
- Selen: 2% DV
Những tác dụng của đậu đỏ dưới đây được biên dịch từ Healthline - tạp chí hiện đang có lượng người đọc nhiều nhất trên thế giới trong lĩnh vực sức khỏe. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây.
Giàu protein, chất xơ và khoáng chất
Nhờ yếu tố giàu protein mà đậu đỏ và các chế phẩm từ đậu đỏ (như bột đậu đỏ) thường được sử dụng bởi những người tập gym.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng đậu đỏ có thể chứa tới 29 các chất chống oxy hóa khác nhau, khiến đậu đỏ trở thành 1 trong những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa nhất hiện có. Giúp bạn chống lại sự lão hóa và bệnh tật.
Tuy nhiên đậu đỏ nói riêng và các loại đậu nói chung đều chứa các chất kháng dinh dưỡng, làm giảm khả năng hấp thụ khoáng chất của cơ thể. Việc ngâm, nảy mầm và lên men sẽ giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng trong đậu đỏ tốt hơn.
Tăng cường sức khỏe đường ruột
Hàm lượng chất xơ hòa tan và tinh bột kháng cao có trong đậu đỏ khi đi vào cơ thể sẽ không bị tiêu hóa cho đến khi chúng đến ruột kết. Tại đây chúng đóng vai trò là thức ăn cho những vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Những vi khuẩn này hấp thụ các chất xơ hòa tan và tạo ra các axit béo chuỗi ngắn giúp đường ruột của bạn khỏe mạnh và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Giảm nguy cơ mắc bênh tiểu đường loại 2
Có 2 yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2:
- Chất xơ trong đậu đỏ giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn.
- Nghiên cứu trên động vật, protein được tìm thấy trong đậu đỏ có thể ngăn chặn hoạt động của 1 loại enzym (Alpha-glucosidase). Loại enzym này phân hủy các loại carbs phức tạp thành đường nhỏ hơn để dễ hấp thu hơn.
Có thể giúp bạn giảm cân
Nhiều hợp chất trong đậu đỏ khiến bạn giảm cảm giác đói và tăng cảm giác no. Protein và chất xơ có nhiều trong đậu đỏ cũng là 2 chất dinh dưỡng khiến bạn giảm cảm giác đói.
Trong 1 nghiên cứu kéo dài 6 tuần, những người tham gia tiêu thụ ít nhất 90g đậu đỏ mỗi ngày giảm được 2.9kg so với những người không ăn đậu đỏ. Tìm hiểu sâu hơn tại đây.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Các hợp chất được tìm thấy trong đậu đỏ khiến giảm huyết áp, giảm cholesterol và chất béo trung tính giúp bạn có 1 trái tim khỏe mạnh hơn.
Trong 1 nghiên cứu nhỏ, những người phụ nữ được uống nước đậu đỏ rang trong 1 chu kỳ kinh nguyệt giảm được gần 18% chất béo trung tính có trong máu so với mức tăng ở những người còn lại.
Một số báo cáo từ những nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật đều chỉ ra rằng hạt đậu đỏ làm giảm cholesterol LDL toàn phần và chất béo tích tụ trong gan.
Các lợi ích khác
Bà bầu ăn đậu đỏ có thể giúp giảm dị tất bẩm sinh do chất folate có nhiều trong đậu đỏ - 1 chất dinh dưỡng quan trọng trong thời kỳ mang thai và có liên quan đến việc giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
Tăng tuổi thọ do có hàm lượng axit amin methionine thấp tự nhiên (Chế độ ăn ít methionine có thể làm tăng tuổi thọ).
Giúp xương chắc khỏe.
Trong Đông Y
Đậu đỏ cũng xuất hiện nhiều trong các bài thuốc Đông Y chữa các bệnh như: đái ra máu, điều trị bệnh trĩ, trị viêm thận cấp tính, trị phù thũng, tiểu tiện không thông, bổ máu, tĩnh tâm, an thần, thanh nhiệt, tiểu đường, nhụn nhọt, bổ khí, tăng cường sức khỏe.
Trong nấu ăn và làm đẹp
Trong nấu ăn, đậu đỏ được dùng nhiều nhất để nấu chè và nấu xôi, làm bánh rán nhân đậu đỏ, bánh bao đậu đỏ, cháo đậu đỏ, kem đậu đỏ...
Do có tính mát giúp thanh nhiệt cơ thể, đậu đỏ thường được dùng để nấu chè đậu đỏ trong những ngày hè, đặc biệt là trong ngày lễ Thất Tịch 7/7 âm lịch hàng năm. Đậu đỏ được ngâm trước 3,4 tiếng rồi sên với đường. Nình nhừ sau đó kết hợp với bột năng, bột báng để tạo nên món chè sánh dẻo. Kết hợp với lá dứa, ăn kèm với nước cốt dừa, dừa khô, dừa tươi, thạch găng đen và đậu phộng rang khiến món ăn có hương vị ngọt, bùi, dẻo thơm rất hấp dẫn.
Bạn có thể xem chi tiết cách nấu chè đậu đỏ tại đây hoặc video bên dưới.
Trong làm đẹp, đậu đỏ được rang lên rồi hãm lấy nước uống để giảm cân (không phổ biến bằng nước đậu đen rang), đắp mặt nạ đậu đỏ và tắm trắng bằng bột đậu đỏ.
Cách bảo quản đậu đỏ
Đậu đỏ có lớp vỏ mỏng lại nhiều protein - là chất dễ phần giản nên cần được bảo quản đúng cách. Tránh bảo quản ở những nơi có nhiệt độ quá cao (dẫn đến hiện tượng tự bốc nóng) hoặc quá thấp. Nói chung nên bảo quản bằng phương pháp bảo quản kín ở nhiệt độ phòng, tránh những nơi có độ ẩm cao dễ khiến hạt bị nảy mầm.