Chanh Thái
Chanh Thái có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy từng vùng miền. Tên quốc tế là Kaffir lime. Ở Việt Nam, miền Bắc gọi là "chấp, giấp", miền Tây Nam Bộ thì gọi là "trúc, chúc, trúc thơm". Vỏ quả chanh Thái nhăn nheo và sần sùi nên có nơi gọi là chanh não người.
Điểm đặc biệt ở chanh Thái và lá chanh Thái là chứa tinh dầu rất thơm, mùi thơm của lá chanh Thái mạnh gấp 5 lần lá chanh thường - theo đầu bếp Dương Huy Khải.
Vì đặc điểm này mà chanh Thái được ứng dụng nhiều trong ẩm thực như để khử mùi tanh những thực phẩm có độ đạm cao như hải sản, bò, gà, lươn, rắn... Nhiều người nội trợ cảm nhận hương thơm của lá chanh Thái là sự kết hợp giữa hương vị của lá chanh, lá bưởi non và tinh dầu lá cari tươi, không bị đắng và không mất hương vị khi nấu lâu.
Đối với những lá già, cần tước bỏ gân và cuống lá để giảm vị đắng
Lá chanh Thái gắn liền với món canh chua Thái tom yum, lẩu Thái, súp thái... và nhiều món ăn của nhiều quốc gia khác. Lá có thể dùng tươi hoặc phơi khô, bảo quản trên ngăn đá và dùng dần. Bạn có thể dễ dàng phân biệt lá chanh Thái và lá chanh ta ở đặc điểm lá chanh Thái có hình số 8, còn lá chanh ta là hình bầu dục.
Ngoài ẩm thực, chanh Thái còn nhiều ứng dụng trong đời sống khác:
- Quả được ngâm rượu làm thuốc chữa đau bụng, cảm mạo
- Kết hợp với gừng, sả để nấu nước tắm rửa và gội đầu trị gàu
- Vỏ quả dùng làm hương liệu cho nước uống, làm dược liệu chống nôn, say xe, giải cảm, trị bệnh tiêu hóa, chiết xuất tinh dầu làm mỹ phẩm
Chanh Thái là loại cây dễ trồng, khỏe, chịu hạn hán tốt, nhiều gia đình còn trồng làm cảnh. Cây không phổ biến ở nhiều nơi nhưng bạn có thể mua lá, quả và cả giống cây trồng trên các trang mạng online.