Ăn mận có nóng không?
Ăn mận với số lượng nhiều sẽ gây hại cho dạ dày, men răng và tạo cảm giác nóng trong, có thể gây mụn nhọt vì cơ thể nạp nhiều đường.
Ở Việt Nam, mận có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là mận hậu, mận cơm, mận róc hạt... Mùa mận thường bắt đầu từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6.
Về cơ bản, giá trị dinh dưỡng có trong các loại mận không có sự khác biệt quá lớn. Mận có thể sử dụng như thức quả tươi ăn hàng ngày hoặc làm mứt mận, ô mai mận hay làm nước siro mận, mận ngâm đường, mận ngâm rượu để dùng dần.
Ăn mận có tốt không?
Theo khoa học, trong quả mận chứa nhiều hàm lượng vitamin như vitamin C, A, K... và các khoáng chất như đồng, mangan, kali. Cùng với đó, do giàu chất xơ, sorbitol nên quả mận còn có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón.
Mận có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, quả mận cũng chứa chất chống oxy hóa như phenol, flavonoid, anthocyanin và cả chất kháng viêm. Từ đó có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa nguy cơ mắc phải 1 số bệnh mãn tính. Đáng chú ý, chất polyphenol có trong quả mận còn tốt cho xương khớp, tim mạch và góp phần ổn định đường huyết.
Đặc biệt, thực tế hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa trong vỏ mận cao hơn nhiều so với phần thịt mận (cơm mận). Chính vì vậy, khi ăn mận, bạn nên giữ lại vỏ mận và có thể khử khuẩn để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Ăn mận có nóng không?
Mận là loại quả ngon của mùa hè, có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên cũng rất nhiều người lo ngại vấn đề ăn mận có nóng không và liệu có gây hại gì không nếu như ăn nhiều.
Ăn mận với số lượng nhiều dễ gây hại dạ dày, men răng...
Mặc dù có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên các bác sĩ chuyên khoa cũng chia sẻ một số lưu ý khi ăn mận, đặc biệt đưa ra lời khuyên không nên ăn quá nhiều mận cùng 1 lúc.
Thứ nhất, trong quả mận chứa hàm lượng axit cao nên nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến dạ dày và men răng. Không nên ăn mận lúc bụng đang đói.
Thứ hai, mận không có tính nóng nhưng lượng đường trong mận khá cao nên nếu ăn quá nhiều sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu phát triển và sẽ gây ra tình trạng mụn nhọt, nóng trong. Chính vì vậy, những người cơ địa nóng trong, dễ phát nhiệt hay những người đang bị tiểu đường nên hạn chế hoặc chủ động điều chỉnh liều lượng mận ăn vào. Phụ nữ trong thai kỳ cũng nên có sự điều chỉnh khi ăn mận vì lúc này thân nhiệt đang nóng hơn so với lúc bình thường.
Thứ ba, trong mận có chứa chất oxalate, nếu ăn nhiều sẽ làm quá trình hấp thu canxi bị khó khăn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thận và bàng quang.
Và để giảm thiểu tình trạng này, các bác sĩ cũng khuyên rằng không nên ăn quá 10 quả mận/ngày. Trước khi ăn nên rửa sạch, ngâm nước muối hoặc khử khuẩn để đảm bảo an toàn. Ngoài ra hạn chế chấm mận cùng muối quá mặn, vừa dễ gây nhiệt vừa ảnh hưởng không tốt đến tim mạch. Và so với ăn quả mận tươi thì nước ép mận và các loại nước uống làm từ mận như siro mận, mận ngâm đường... sẽ tốt hơn.